Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) có thể phạt Chelsea bởi sai phạm của đội bóng này trong thời gian qua.
Chelsea vừa gây chấn động giới bóng đá Anh khi công bố lợi nhuận ròng 129,6 triệu Bảng cho mùa giải 2023/24 – con số cao nhất trong lịch sử của câu lạc bộ. Tuy nhiên, đằng sau thành tích tài chính ấn tượng này lại là một thương vụ gây tranh cãi: bán đội bóng nữ Chelsea Women cho công ty mẹ Blueco 22 Midco Ltd với giá hơn 150 triệu Bảng.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, khoản thu nhập 198,7 triệu Bảng từ việc bán các công ty con (trong đó có Chelsea Women) đã đóng vai trò quyết định trong việc giúp Chelsea chuyển từ khoản lỗ 90,1 triệu Bảng mùa trước sang lợi nhuận trước thuế 128,4 triệu Bảng hiện tại. Thương vụ chuyển giao quyền sở hữu được thực hiện vào ngày 28/6/2024, chỉ hai ngày trước khi kỳ báo cáo tài chính kết thúc, làm dấy lên nghi vấn về tính minh bạch và mục đích thực sự của thương vụ.

Nguồn tin từ The Times cho biết, mặc dù thỏa thuận này không vi phạm các quy định tài chính của Premier League, nhưng lại có khả năng đi ngược với nguyên tắc của UEFA - vốn cấm các câu lạc bộ ghi nhận doanh thu từ việc bán tài sản cho các công ty con cùng sở hữu.
Các hình phạt có thể áp dụng cho hành vi vi phạm luật FFP của UEFA hiện nay bao gồm tiền phạt, khấu trừ tiền thưởng, lệnh cấm chuyển nhượng hoặc bị loại khỏi các giải đấu châu Âu
Dẫu vậy, Chelsea vẫn khẳng định rằng việc tái cấu trúc đội bóng nữ không chỉ mang tính tài chính mà còn là một phần trong chiến lược nâng cao quản trị và phát triển thương mại. Chelsea Women giờ đây hoạt động dưới một bộ máy quản lý chuyên biệt, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu ở bóng đá nữ châu Âu.

Thương vụ này đặt ra câu hỏi lớn cho UEFA: Liệu các câu lạc bộ giàu có có đang lợi dụng các "lỗ hổng" giữa các hệ thống luật lệ để hợp thức hóa dòng tiền và tránh vi phạm Luật Công bằng tài chính (FFP)? Với Chelsea, đó có thể là một nước cờ thông minh, nhưng cũng là đòn thử thách sự nghiêm minh của các tổ chức bóng đá châu lục.